Doanh nghiệp F&B Việt Nam gặp khó sau dịch

Chuyên gia phân tích, do ảnh hưởng Covid-19 doanh nghiệp, nhà hàng gặp khó khăn về chi phí thuê mặt bằng, nhân sự, pháp lý, đứt gãy nguồn cung...

Tiến sĩ Đoàn Minh Phú - Tổng giám đốc kiêm Tổng bếp trưởng chuỗi nhà hàng Thế giới hải sản cho biết, dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp F&B chịu áp lực từ 4 bài toán lớn.

 

1. Chi phí mặt bằng

Đối với mô hình kinh doanh F&B, chọn một mặt bằng đẹp, phù hợp và thu hút khách hàng là một trong những nhiệm vụ tiên quyết. Chi phí thuê mặt bằng dao động rất lớn, phụ thuộc chủ yếu vào loại dịch vụ, phong cách mà nhà hàng hướng đến, nhưng thường sẽ chiếm 15-30% doanh thu bán hàng.

Ảnh hưởng dịch Covid-19, chi phí thuê mặt bằng đã trở trở thành một gánh nặng rất lớn cho các doanh nghiệp khi không thể hoạt động mà vẫn phải thực hiện hợp đồng đã ký.

 

2. Chi phí nhân sự

Nhân sự luôn là một trong những yếu tố quyết định lợi nhuận và sự sống còn của doanh nghiệp, đặc biệt trong khối ngành dịch vụ. Trước ảnh hưởng Covid-19, chi phí nhân sự là một trong những hạng mục nan giải.

Chi phí dành cho nhân sự của từng mô hình nhà hàng cũng rất phong phú, thường bao gồm lương cố định cho nhân viên, tiền thưởng, tiền tăng ca, thuế tiền lương và bảo hiểm. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải giải bài toán về nhân sự và chọn phương án hạ chi phí hoạt động bao gồm cắt giảm lao động khi phần lớn nhà hàng phải đóng cửa hoặc giảm doanh thu.

 

3. Vấn đề pháp lý

Từng giai đoạn kinh doanh, doanh nghiệp cần đảm bảo các vấn đề pháp lý khác nhau. Cụ thể, để được thành lập, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Sau đó là các giai đoạn mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thuế, đăng ký bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhân viên,...

Đặc thù của doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng là phải đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện về nơi chế biến, quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ chịu sự quản lý trong lĩnh vực Y tế. Nhà hàng phải có hồ sơ báo cáo để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.

 

4. Thiếu nguồn cung

Trong lĩnh vực F&B, việc quản lý mạng lưới nhà cung cấp nguyên vật liệu cũng vô cùng quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và thành phẩm. Dưới ảnh hưởng Covid-19, việc di chuyển giữa các vùng bị hạn chế, sự gián đoạn trong sản xuất hàng hóa khiến nguồn nguyên liệu không được đảm bảo về chất lượng lẫn số lượng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Tiến sĩ Đoàn Minh Phú đưa ra nhiều gợi ý trong hội thảo trực tuyến "Cắt giảm lãng phí trong kinh doanh nhà hàng ẩm thực". Theo đó, với vấn đề về chi phí mặt bằng, đơn vị có thể đàm phán với chủ mặt bằng để giảm một phần phí thuê, không gây thiệt hại cho cả hai bên.

Doanh nghiệp cũng cần thay đổi để thích ứng với tình hình bằng cách chuyển hoạt động kinh doanh lên nền tảng online để tiết kiệm phần lớn chi phí mặt bằng và duy trì kinh doanh. Tương tự với chi phí cho nhân sự, có thể tính đến bài toán cắt giảm phù hợp như giảm giờ làm, giảm lương nhưng vẫn giữ mức lương cơ bản cho nhân viên. Đối với một số doanh nghiệp, có thể cần phải cắt bớt nhân sự, chỉ giữ lại nhân lực chủ chốt nếu chuyển sang hoạt động bán mang đi.

Doanh nghiệp có thể tìm thêm giải pháp giải quyết các bài toán sau dịch khi tham gia sự kiện Asia Food & Beverage Summit 2021 - Hội nghị thượng đỉnh lớn nhất trong năm của ngành F&B với chủ đề "Vận hành xuất sắc". Chương trình diễn ra vào ngày 10/11 với nhiều hoạt động như thảo luận chuyên sâu giữa chủ doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành về những vấn đề nổi bật, cơ hội kết nối kinh doanh.

Nguồn: Minh Huy